Tăng cường sức khỏe vật nuôi: Làm sao để chọn lựa được chất xơ tốt nhất?
Nhu cầu dinh dưỡng của heo và gia cầm rất đa dạng, liên quan đến cân bằng chính xác giữa protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, vai trò của chất xơ, đặc biệt là lignocellulose, ngày càng được chú trọng do ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe đường ruột, sự hấp thụ chất dinh dưỡng và sức khỏe tổng thể của vật nuôi.
Lignocellulose là hỗn hợp của nhiều loại cellulose, hemicellulose và lignin. Lignocellulose tăng cường nhu động và hoạt động cơ học của ruột, thúc đẩy ruột hoạt động thường xuyên và ngăn ngừa các rối loạn tiêu hóa như táo bón. Lignocellulose góp phần tạo khối phân (physical bulk), từ đó giúp duy trì tính toàn vẹn của đường ruột và ổn định môi trường tiêu hóa. Điều này đặc biệt quan trọng trong các hệ thống chăn nuôi mật độ cao hiện đại, nơi động vật thường chịu các yếu tố gây stress có thể gây hại đến sức khỏe đường ruột.
Có nhiều nguồn lignocellulose khác nhau mà các chuyên gia dinh dưỡng có thể lựa chọn nhưng điều quan trọng là phải hiểu các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả mà lignocellulose mang đến.
Chất xơ trong thức ăn chăn nuôi so với chất xơ tự nhiên.
Hiện có một số thành phần có đóng góp đáng kể vào nhu cầu chất xơ trong khẩu phần của heo và gia cầm. Ở châu Âu, các thành phần như bột củ cải đường (sugar beet pulp), cám lúa mì và bột hạt cải thường được sử dụng để tăng hàm lượng chất xơ trong khẩu phần cho động vật. Còn ở Châu Á, các nguyên liệu như cám gạo, bột hạt cọ và cỏ linh lăng (alfalfa) được sử dụng phổ biến hơn. Mặc dù các nguồn chất xơ khác nhau này hỗ trợ sự đa dạng của hệ vi sinh đường ruột, nhưng sự cung cấp có thể không ổn định do hàm lượng chất xơ trong các thành phần này thay đổi theo thời gian.
Một vấn đề lớn với chất xơ tự nhiên là mức độ nhiễm độc tố nấm mốc. Vì vậy, cần hạn chế sự bổ sung xơ tự nhiên trong khẩu phần vật nuôi, để tránh vật nuôi tiếp xúc với lượng độc tố nấm mốc cao. Ngoài ra, khi xem xét nhu cầu chất xơ cho heo nái, heo con, gà thịt và gà đẻ, có thể thấy được lượng chất xơ tự nhiên trong khẩu phần của chúng thường không đủ.
Khẩu phần của heo con cần lượng Xơ Trung Tính (Neutral Detergent Fiber - NDF)* từ 10 đến 11%, trong khi cám gạo chứa từ 10 đến 30% NDF. Để đáp ứng nhu cầu NDF của heo con thì cần 33% đến 100% khẩu phần là cám gạo, tùy thuộc vào nguồn cung. Đây không phải là một giải pháp thiết thực. Đối với heo nái đang cho con bú, việc đảm bảo lượng Xơ Trung Tính (NDF) trong khẩu phần đạt mức 13-15% là một thách thức lớn, việc đạt được mức NDF cao như vậy chỉ có thể thực hiện được bằng cách sử dụng các nguồn chất xơ đậm đặc như lignocellulose trong khẩu phần.
Làm thế nào để chọn nguồn lignocellulose thích hợp
Có 3 đặc tính khác nhau của lignocellulose giúp tăng cường hiệu quả, gồm: hiệu ứng trương nở, khả năng giữ nước và kích thước hạt.
Hiệu ứng trương nở là khả năng tăng thể tích của một vật chất khi tiếp xúc với chất lỏng. Các loại lignocellulose khác nhau được sử dụng trong dinh dưỡng cho heo và gia cầm có thể tăng thể tích gấp 3 đến 10 lần tùy thuộc vào nguồn của chất đó. Hiệu ứng trương nở này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo khối phân trong ruột, kích thích thành ruột và thúc đẩy nhu động ruột (peristalsis).
Khả năng giữ nước (WHC) phản ánh tính giữ nước của chất xơ. Khác biệt với hiệu ứng trương nở vì một số chất xơ vẫn có thể trương nở khi có ít nước trong khi các sơ khác có thể giữ nhiều nước mà không bị trương nở, và cả hai cơ chế đều thực sự quan trọng. Lượng nước chất xơ tích càng nhiều thì sự bổ sung nước trong dưỡng chấp (gut content) càng cao, từ đó giúp đường ruột tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất tốt hơn. Nước lưu thông tốt hơn khi được tích trữ trong chất xơ.
Như đã giới thiệu trước đó, lignocellulose là hỗn hợp của cellulose, lignin và hemi cellulose. Nhưng lignin có tính trương nở thấp hơn nên sản phẩm càng có nhiều lignin thì tính trương nở càng thấp.
Cuối cùng, kích thước hạt đóng một vai trò quan trọng, tôi muốn bàn ở đây là về kích thước hạt cơ bản. Hầu hết lignocellulose hiện có trên thị trường đều được micron hóa để giảm kích thước hạt cơ bản và chúng được làm thành mảnh nhỏ để thuận tiện cho việc vận chuyển. Nhưng khi ở trong nước, các dạng vụn nhỏ sẽ bị phân tách trở lại thành các hạt cơ bản. Bằng cách giảm kích thước hạt cơ bản, chúng ta làm tăng diện tích bề mặt và do đó tăng khả năng giữ nước và tính trương nở.
Bằng cách nắm rõ và tối ưu hóa các đặc tính của chất xơ bổ sung trong thức ăn chăn nuôi—chẳng hạn như kích thước hạt, khả năng liên kết nước và tính trương nở—các nhà chăn nuôi có thể nâng cao sức khỏe đường ruột và năng suất tổng quan của vật nuôi. Sự cân bằng giữa chất xơ tự nhiên và lignocellulose bổ sung là giải pháp ổn định và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu chất xơ trong khẩu phần của heo con, heo nái, gà thịt và gà đẻ, từ đó hỗ trợ sức khỏe và năng suất của chúng.* Chất xơ trung tính (NDF - Neutral Detergent Fiber) là một loại chất xơ không hòa tan được tìm thấy trong thành tế bào thực vật. Nó bao gồm các thành phần như cellulose, hemicellulose, lignin và silica. NDF không thể được tiêu hóa bởi enzyme, nhưng nó có thể đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tiêu hóa và tổng thể.
Comentários